Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975, cơ quan Kế hoạch và Thống kê tỉnh Thủ Dầu Một được hình thành với tên gọi là Ban kinh tế tỉnh Thủ Dầu Một.
Tháng 11/1975 hợp nhất hai tỉnh Thủ Dầu Một và Bình Phước với tên gọi là tỉnh Sông Bé.
Tháng 01/1976, Ban kinh tế Tỉnh đổi tên là Uỷ ban Kế hoạch và Chi cục Thống kê tỉnh Sông Bé; đ/c Nguyễn Đức Hà - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh kiêm giữ chức chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch và Chi cục Thống kê.
Ngày 19/6/1976, Chi cục Thống kê tỉnh Sông Bé được thành lập theo Quyết định số 146/QĐ của UBND tỉnh Sông Bé với biên chế có 20 người, gồm 6 phòng nghiệp vụ ở cơ quan Văn phòng Cục và 02 phòng Thống kê, 5 tổ Thống kê - Kế hoạch tại 7 huyện, thị xã thuộc tỉnh.
* Ban lãnh đạo Chi cục lúc đó gồm có 3 người:
- Ông Phạm Đức Dũng - Chi Cục trưởng.
- Ông Nguyễn Bậc Xuyên - Chi Cục phó.
- Ông Lê Tấn Lực - Chi Cục phó.
* Lãnh đạo các phòng nghiệp vụ ở cơ quan Văn phòng Chi cục:
- Phòng thống kê Nông lâm ngư nghiệp, thuỷ lợi, quốc doanh cao su, kinh tế mới do đồng chí Vũ Ngọc Đàm phụ trách phòng, đồng chí Hà Đình Đại phó phòng
- Phòng thống kê Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, bưu điện, xây dựng cơ bản và vật tư do đồng chí Mai Thế Đức làm Trưởng phòng
- Phòng thống kê Thương nghiệp, lương thực, vật giá, tài chính, ngân hàng do đồng chí Phạm Thị Xuân Yến làm Trưởng phòng.
- Phòng thống kê Dân số, lao động, đời sống, văn xã do đồng chí Nguyễn Thị Minh Kỉnh làm Trưởng phòng.
- Phòng thống kê Tổng hợp do đồng chí Đinh Văn Bình phụ trách.
- Phòng Tổ chức, đào tạo, hành chính quản trị do đồng chí Mai Văn Đẩu làm trưởng phòng, đồng chí Trần Hữu Kỷ phó phòng, đồng chí Nguyễn Hoài Nam kế toán kiêm văn thư đánh máy.
Ở huyện, thị lúc đó mới chỉ có 2 huyện Thuận An và Phước Long có thành lập phòng thống kê, còn ở các huyện khác và Thị xã Thủ Dầu Một mới chỉ thành lập tổ thống kê.
Đội ngũ cán bộ thống kê của Chi cục thống kê lúc bấy giờ được huy động từ nhiều nguồn khác nhau gồm nguồn đi B (chi viện cho chiến trường miền Nam trước và sau ngày giải phóng), nguồn từ bộ đội sang và nguồn lấy tại chỗ.
Năm 1977, là một năm đáng ghi nhớ của Ngành, khi thực hiện theo Quyết định số 84/TTg, ngày 18/4/1974 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo số: 1361/TC/CP của Ban Tổ chức Chính phủ về quản lý tập trung thống nhất hệ thống thống kê Nhà nước theo ngành dọc từ cấp huyện trở lên. Ngày 01/7/1977, Chi cục Thống kê Tỉnh được bàn giao về Tổng cục Thống kê quản lý, với biên chế có 62 người, tại văn phòng Cục có 27 người, trong đó có 15 người đã tốt nghiệp đại học và cao đẳng (chiếm tỉ lệ 31,3%).
Tháng 6/1977, Tổng cục Thống kê điều động về Chi cục Thống kê tỉnh Sông Bé một số cán bộ từ các Chi cục Thống kê các tỉnh phía Bắc như: Đồng chí Bùi thị Huấn, Trần Đăng Khôi, Đoàn Quốc Việt, Nguyễn Quốc Bảo, Nguyễn Văn Thụ, Nguyễn Như Bá. Tất cả số cán bộ này đều có trình độ trung cấp thống kê và đã công tác lâu năm trong Ngành nên sau này phần lớn đều giữ vị trí chủ chốt của Thống kê tỉnh và huyện, thị.
Tháng 9/1977, số sinh viên hệ cao đẳng tốt nghiệp đặc cách trường đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cũng được phân bổ về tỉnh như các anh, chị: Đinh văn Bình, Nguyễn Thanh Phước, Nguyễn Phúc Đoàn, Nguyễn Văn Gô, Võ Công Thành, Mai Trung Trực, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Thanh, Dương Thị Nguyệt, Đào Quang Tự, Trần Thị Tuyết Vân, Nguyễn Văn Cường, Lê Hồng Chương, Nguyễn Ngọc Hùng, Lê Văn Thép, Cao Văn Hai, Vũ Văn Xuất, Diệp Kim Lợi, Nguyễn Văn Nhiều, Nguyễn Trung Vinh từ Gia Lai về, và sau đó có anh Mai Sơn Dũng... nhờ đội ngũ này mà Ngành đã từng bước kiện toàn được các phòng nghiệp vụ ở tỉnh và tăng cường cho các phòng Thống kê huyện.
Đối với Thống kê xã, phường, thời gian đầu cũng thường xuyên bị xáo trộn. Toàn tỉnh có 125 xã, phường, thị trấn; có 104 xã, phường, thị trấn có Ban thống kê với gần 161 cán bộ thống kê xã, ấp. Trong những năm đầu sau ngày giải phóng, Chi cục Thống kê đã đào tạo cho xã, phường 263 người, song chỉ còn lại 161 cộng tác viên thống kê.
Năm 1979, Văn phòng Chi cục thống kê tỉnh Sông Bé được Tổng cục Thống kê cho chủ trương xây dựng. Trụ sở mới tại vị trí hiện nay (ấp Phú Lợi, xã Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một), với ba dãy nhà cấp IV khá rộng.
Năm 1980, Ban lãnh đạo Chi cục thống kê Sông Bé có sự thay đổi:
Tổng cục Thống kê có quyết định bổ nhiệm đồng chí Lê Tấn Lực giữ chức Chi cục trưởng, đồng chí Mai Văn Đẩu giữ chức Chi Cục phó (Quyết định số 472/TCTK-QĐ ngày 22 tháng 11 năm 1980), thay đồng chí Phạm Đức Dũng và đồng chí Nguyễn Bậc Xuyên chuyển công tác.
Năm 1981, Tổng cục Thống kê điều động bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Văn Rự, Trưởng phòng nghiệp vụ Chi cục Thống kê Hà Nam Ninh giữ chức Chi cục Phó Chi cục thống kê tỉnh Sông Bé.
Năm 1982, Chi cục Thống kê tỉnh được Nhà nước đổi tên là Cục Thống kê tỉnh.
Trong giai đoạn năm 1981-1985, lực lượng cán bộ Cục Thống kê tỉnh Sông Bé được tăng cường đáng kể, bên cạnh số cán bộ của Ngành đưa đi đào tạo tốt nghiệp trở về, như: đồng chí Huỳnh văn Hải, Nguyễn Công Khanh (Phòng Nông, lâm, ngư nghiệp); Nguyễn Thái Xuân, Đặng Hữu Phước (phòng Công nghiệp - Xây dựng - Giao thông); Nguyễn Thị Kim Thanh (phòng Thống kê Dân số - Văn xã); Phạm Thị Lệ Sương (phòng Thống kê Thương nghiệp - Giá cả); Huỳnh Thị Gái, Hà Thị Liễu, Huỳnh Thị Thu Ba (phòng Thống kê thị xã Thủ Dầu Một); Trà Ánh Châu, Lâm Văn Lộc (phòng Thống kê Thuận An); Nguyễn Thị Ngàn, Đặng Thị Thinh, Ngô Trọng Thọ (phòng Thống kê Bình Long); Nguyễn Tiến Chúc (Phòng Thống kê Bến Cát) và gần 10 sinh viên, học sinh tốt nghiệp trường đại học kinh tế thành phố Hồ chí Minh và trường trung học Thống kê II Đồng Nai được phân bổ về Cục, trong đó: có đồng chí Huỳnh thị Xèo, Trần Văn Bạn, Nguyễn Tất Trung, Luân Thị Sang (phòng Tổng hợp); Nguyễn Ngọc Nhung, Ngô Văn Mít (phòng Thương nghiệp - Giá cả); Phạm Hoàng Minh, Hồ Thị Thanh Minh (phòng Công nghiệp - Xây dựng - Giao thông); Huỳnh Thị Kim Oanh (phòng Nông nghiệp); Bao Văn Tâm (phòng Dân số - Văn xã); Đào Văn Hoàng (phòng Thống kê Lộc Ninh); Lê Thị Kim Thu (phòng Thống kê Thuận An); Ngô Văn Minh (phòng Thống kê Tân Uyên); Nguyễn Tuấn (phòng Thống kê Bến Cát); Võ Đình Tuân (phòng Thống kê Phước Long)…
Cơ sở vật chất kỹ thuật của Ngành Thống kê giai đoạn này, hầu như không có gì, tổng diện tích nhà cửa và vật kiến trúc của Cục Thống kê tỉnh là 176 m2, đa số cán bộ công chức ở lại tập thể cơ quan. Phương tiện đi công tác lúc này là 1 chiếc xe jéep, 1 xe Fiat, 1 hon da 90CC và 2 xe đạp. Các công văn, báo cáo được đánh bằng máy đánh chữ, tính toán chủ yếu bằng thủ công và máy tính quay tay; bàn, ghế cũng không có nhiều, chủ yếu là bàn sắt, ghế dựa...
Trong cùng thời gian trên, công tác thống kê chủ yếu thực hiện chế độ báo cáo nhanh, ước tính định kỳ tình hình kinh tế-xã hội, các cuộc điều tra thường xuyên, đột xuất, phối hợp với các Ngành thực hiện Điều tra dân số năm 1976; Đăng ký kinh doanh công thương nghiệp năm 1977, Điều tra đất năm 1978, Tổng điều tra dân số thời điểm 0 giờ, ngày 1/4/1979, Điều tra lao động kỹ thuật năm 1982, Tổng kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định năm 1985 và tham gia các công tác của địa phương như kiểm kê tài sản, tổng hợp kết quả bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, tham gia cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, công tác 3 thu và vận động sản xuất chống đói năm 1978, tham gia công tác đổi tiền năm 1978.
Trong thời gian ngắn, Ngành đã xây dựng được mạng lưới thống kê xã, phường, thị trấn; củng cố thống kê tỉnh, huyện và giúp đỡ thống kê các Ty, Ngành trực tiếp thực hiện các báo cáo thống kê trong tháng, đây là một cố gắng rất lớn của Ngành.
Giai đoạn 1986-1990, thực hiện công cuộc đổi mới toàn điện đất nước. Tháng 12/1987, Ban Bí thư Trung ương Đảng có thông báo số 46/TB-TW và Hội đồng Bộ trưởng có quyết định số: 227/HĐBT về tinh giản các đầu mối tổ chức ở địa phương, chuyển ngành thống kê từ quản lý theo hệ thống ngành dọc sang quản lý theo cấp hành chính.
Mô hình cơ quan Thống kê ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là Cục Thống kê sáp nhập vào Ủy ban Kế hoạch của tỉnh hoặc là một bộ phận trực thuộc UBND tỉnh.
Ở huyện, phòng Thống kê sáp nhập vào phòng Kế hoạch; biên chế, kinh phí, nghiệp vụ thống kê chuyển cho địa phương quản lý. Đó là một sự thay đổi lớn gây không ít khó khăn cho công tác thống kê. Song, điều may mắn của Cục Thống kê tỉnh Sông Bé lúc bấy giờ là mặc dù Uỷ ban Kế hoạch và Cục Thống kê đều đã xây dựng những phương án sáp nhập, nhưng qua kết quả khảo sát thực tế các mô hình sáp nhập của hai tỉnh Long An và Đồng Tháp, đặc biệt là tỉnh Long An thì Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực UBND tỉnh đã chấp thuận tờ trình của 2 cơ quan Kế hoạch và Thống kê, tạm thời để Cục Thống kê độc lập, là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh;
Riêng ở Huyện, thị xã tất cả các phòng Thống kê đều sáp nhập vào phòng Tài chính - Kế hoạch.
Năm 1989, Tổng cục Thống kê có quyết định bổ nhiệm đồng chí Võ Công Thành và đồng chí Mai Sơn Dũng giữ chức Chi Cục phó thay đồng chí Mai Văn Đẩu và đồng chí Nguyễn Văn Rự nghỉ hưu.
Tháng 02/1994, Tổng cục Thống kê có quyết định bổ nhiệm đồng chí Lý Thanh Điểu, Trưởng phòng TK Thương nghiệp giữ chức Phó Cục trưởng (đồng chí Mai Sơn Dũng, Phó Cục trưởng chuyển công tác về tỉnh).
Ngày 23/3/1994 Chính phủ ban hành Nghị định 23/CP quy định lại chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của ngành Thống kê, Tổng cục Thống kê quản lý tập trung thống nhất theo ngành dọc đến cấp huyện.
Thực hiện Thông tư Liên bộ số: 245/TT-LB, ngày 15/6/1994 của Liên Bộ Tổng cục Thống kê - Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ, ngày 12/10/1994 Tổng cục Thống kê và UBND tỉnh Sông Bé tổ chức bàn giao cơ quan Thống kê tỉnh Sông Bé sang Tổng cục Thống kê trực tiếp quản lý.
Về phía Tổng Cục Thống kê có: Ông Văn Trọng Khương, Phó Văn phòng Tổng cục Thống kê được sự ủy quyền của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Ông Lê Trọng Vinh, Chuyên viên Văn phòng Tổng cục Thống kê, Ông Thân Văn Niên, Chuyên viên Vụ Tổ chức Cán bộ Tổng cục Thống kê.
* Phía UBND tỉnh Sông Bé gồm có:
Ông Phạm Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sông Bé
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền Tỉnh
Ông Nguyễn Văn Nam, Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy
Ông Nguyễn Văn Nhiều, Phó Giám đốc Sở Xây dựng
Ông Nguyễn Minh Châu, Phó Trưởng phòng HCVX Sở TCVG.
Bà Nguyễn Thị Tươi, Chuyên viên Sở TCVG
* Phía Cục Thống kê tỉnh Sông Bé gồm có:
Ông Lê Tấn Lực, Cục trưởng Cục Thống kê
Ông Võ Công Thành, Phó Cục trưởng Cục Thống kê
Bà Lý Thanh Điểu, Phó Cục trưởng Cục Thống kê
Ông Đặng Hữu Phước, Trưởng phòng TCCB và VT - Đào tạo
Bà Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng HCQT
Với tổng số công chức viên chức thống kê hiện có ở cơ quan Văn phòng Cục là 26 người. Mô hình tổ chức ở cơ quan Văn phòng Cục gồm 6 phòng:
- Phòng Tổ chức - đào tạo và vi tính, do đồng chí Đặng Hữu Phước làm Trưởng phòng.
- Phòng Tổng hợp - Cân đối - Lao động & Văn xã, do đồng chí Nguyễn Công Khanh làm Trưởng phòng.
- Phòng Nông lâm nghiệp & thuỷ lợi, do đồng chí Bùi Hữu Thanh làm Trưởng phòng.
- Phòng Công nghiệp - Xây dựng & Giao thông, do đồng chí Dương Thị Nguyệt làm Trưởng phòng.
- Phòng Thương mại - Giá cả, do đồng chí Ngô Văn Mít làm Trưởng phòng.
- Phòng Hành chính - Quản trị, do đồng chí Nguyễn Hoài Nam làm Trưởng phòng.
Song song đó, hình thành tổ chức bộ máy thống kê các huyện, thị xã, tăng cường đội ngũ cán bộ công chức, trước hết là bổ nhiệm đủ cán bộ lãnh đạo cho các phòng Thống kê huyện, thị, đồng thời tuyển dụng mới để bổ sung cho các phòng Thống kê huyện, thị còn thiếu, bình quân mỗi phòng Thống kê huyện, thị được bố trí từ 2-5 cán bộ.
- Phòng Thống kê thị xã Thủ Dầu Một do đồng chí Huỳnh thị Gái làm Trưởng phòng;
- Phòng Thống kê huyện Bến Cát do đồng chí Ngô Xuân Đỉnh làm Trưởng phòng;
- Phòng Thống kê huyện Thuận An do đồng chí Trần văn Bạn làm Trưởng phòng;
- Phòng Thống kê huyện Tân Uyên do đồng chí Tống Phi Hùng làm Trưởng phòng;
- Phòng Thống kê huyện Đồng Phú do đồng chí Hoàng Mạnh Khôi làm Trưởng phòng;
- Phòng Thống kê huyện Bình Long do đồng chí Bùi Văn Tom làm Trưởng phòng;
- Phòng Thống kê huyện Phước Long do đồng chí Võ Đình Tuân phụ trách;
- Phòng Thống kê huyện Bù Đăng do đồng chí Lê Văn Tân phụ trách;
- Phòng Thống kê huyện Lộc Ninh do đồng chí Hoàng Văn Hảo phụ trách.
Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá IX chia tách tỉnh Sông Bé: tái lập 2 tỉnh: Bình Dương và Bình Phước. Tỉnh Bình Dương chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/1997.
Ngày 9/12/1996, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê ra Quyết định số: 591/TCTK-TCCB thành lập Cục Thống kê tỉnh Bình Dương và Cục Thống kê tỉnh Bình Phước, bắt đầu hoạt động từ ngày 01/01/1997.
Ban lãnh đạo Cục Thống kê tỉnh Bình Dương lúc bấy giờ có 2 đồng chí:
- Đồng chí Lý Thanh Điểu, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Dương
- Đồng chí Đặng Hữu Phước, Trưởng phòng TCCB, được bổ nhiệm giữ chức Phó Cục trưởng Cục Thống kê Bình Dương.
- Đồng chí Võ Công Thành, được bổ nhiệm Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Phước.
Mô hình tổ chức cơ quan Văn phòng Cục Thống kê Bình Dương từ 6 phòng còn 4 phòng (Quyết định số 62/QĐ ngày 17/2/1997 của Cục trưởng Cục Thống kê).
- Phòng Thống kê Tổng hợp - Thông tin, đồng chí Luân Thị Sang là Trưởng phòng.
- Phòng Thống kê Công, Thương mại & Dịch vụ, đồng chí Ngô văn Mít là trưởng phòng.
- Phòng Thống kê Nông, lâm nghiệp - Xây dựng cơ bản & Giao thông bưu điện, do đồng chí Huỳnh thị Kim Oanh là Trưởng phòng.
- Phòng Tổ chức hành chánh - Thanh tra, do đồng chí Nguyễn Hoài Nam là Trưởng phòng.
Ở huyện, thị, theo địa giới hành chính mới, các phòng Thống kê ở các huyện Phước Long, Lộc Ninh, Bình Long, Đồng Phú, Bù Đăng được bàn giao cho Cục Thống kê tỉnh Bình Phước. Tỉnh Bình Dương còn lại 4 phòng Thống kê: Phòng Thống kê thị xã Thủ Dầu Một, phòng Thống kê huyện Bến Cát, phòng Thống kê huyện Tân Uyên và phòng Thống kê huyện Thuận An.
Thực hiện Nghị định số: 58/1999/NĐ-CP, ngày 23/7/1999 của Chính phủ điều chỉnh địa giới hành chính, tái lập 3 huyện: Dầu Tiếng, Phú giáo và Dĩ An, hình thành thêm 3 phòng thống kê huyện: Dầu Tiếng, Dĩ An và Phú Giáo (Quyết định số 380/QĐ-CTK, 382/QĐ-CTK, 383/QĐ-CTK, ngày 05/8/1999 của Cục trưởng Cục Thống kê).
- Phòng Thống kê huyện Dầu Tiếng do đồng chí Trần Hải Trang phó phòng Bến Cát được bổ nhiệm Trưởng phòng.
- Phòng Thống kê huyện Phú Giáo, đồng chí Ngô Văn Minh phó phòng Thống kê Tân Uyên được bổ nhiệm Trưởng phòng.
- Phòng Thống kê huyện Dĩ An, đồng chí Lê Thị Kim Thu cán bộ phòng thống kê Thuận An được bổ nhiệm phó phòng phụ trách phòng.
Năm 2003, Cục Thống kê tỉnh Bình Dương được Tổng cục Thống kê cho xây dựng mới trụ sở làm việc. Sau gần 1 năm thi công, trụ sở đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vào đầu năm 2004 đến nay.
Tháng 02/2009, Tổng cục Thống kê có quyết định điều động đồng chí Võ Công Thành, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Phước giữ chức Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Dương thay đồng chí Lý Thanh Điểu nghỉ hưu theo chế độ (Quyết định số 110/QĐ-TCTK ngày 17/02/2009 của Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê).
Đầu năm 2014, chia tách các huyện Bến Cát và Tân Uyên, thành lập thêm 2 Chi Cục Thống kê huyện Bàu Bàng và Chi cục Thống kê huyện Bắc Tân Uyên (Quyết định số 165/QĐ-TCTK, 166/QĐ-TCTK, 167/QĐ-TCTK, 168/QĐ-TCTK, ngày 31/3/2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê). Đến nay, Cục Thống kê Bình Dương có 9 Chi cục Thống kê huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.
Tại cơ quan Văn phòng Cục Thống kê có Chi bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh Bình Dương với 25 đảng viên chiếm gần 80% CBCC, có tổ chức Công đoàn trực thuộc Công đoàn viên chức Tỉnh với 33 đoàn viên công đoàn và Chi đoàn TNCS HCM trực thuộc Đoàn khối cơ quan tỉnh với 7 đoàn viên TNCS HCM.
Với chức năng nhiệm vụ được giao, Cục Thống kê tỉnh Sông Bé trước đây, Cục Thống kê tỉnh Bình Dương sau này luôn hoàn thành tốt chương trình kế hoạch công tác được Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê giao, các báo cáo thường xuyên, định kỳ, đảm bảo yêu cầu về thời gian, nội dung và chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin kinh tế-xã hội phục vụ sự quản lý, điều hành của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương và của các đối tượng dùng tin khác.
Hằng năm, đã phát hành các ấn phẩm như Niên giám thống kê, Hệ thống chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu tỉnh Sông Bé - 20 năm xây dựng và phát triển; Hệ thống số liệu kinh tế-xã hội tỉnh Bình Dương 12 năm (1997-2008), các ấn phẩm "Bình Dương - Số liệu Thống kê chủ yếu 3 năm 2006-2008", "Bình Dương - 5 năm xây dựng và phát triển 2006-2010", ", "Bình Dương - 5 năm xây dựng và phát triển 2011-2015", Bình Dương - 20 năm xây dựng và phát triển" phục vụ các kỳ họp Tỉnh ủy-HĐND-UBND Tỉnh, các kỳ Đại hội Đảng các cấp.
Ghi nhận những thành tích đóng góp của đơn vị, Cục Thống kê Sông Bé, Cục Thống kê Bình Dương đã được tặng nhiều danh hiệu và hình thức khen thưởng, như:
- Cờ của UBND tỉnh Sông Bé tặng đơn vị khá nhất năm 1982.
- Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sông Bé tặng Đảng bộ vững mạnh năm 1984-1985.
- Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Tỉnh tặng cơ sở Đảng 5 năm liên tục 1993-1997 đạt trong sạch vững mạnh.
- Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Dương tặng cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu năm 1998 - 2002.
- Huân chương Lao động Hạng Ba năm 2010.
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2010, 2013.
- Bằng khen Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê/Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 1996, 1999, 2000, 2003, 2005, 2012.
- Cờ thi đua của Chính phủ năm 2010.
- Cờ thi đua cấp Bộ năm 2007, 2012-2015.
Đạt được kết quả nêu trên là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng cục Thống kê, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương; hướng dẫn của các Vụ chuyên ngành của Tổng cục Thống kê; sự phối hợp cộng tác của các Sở, Ban ngành, huyện, thị xã, thành phố; xã, phường, thị trấn trong tỉnh; các điều tra viên, cộng tác viên cơ sở; Thống kê - kế toán doanh nghiệp; nội bộ công chức thống kê đoàn kết, toàn tâm, toàn lực phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Nhìn lại chặng đường đã trãi qua 40 năm, Cục Thống kê Bình Dương hôm nay tự hào về những thành quả đạt được, đồng thời cũng nghiêm túc đánh giá những mặt còn tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục, đó là: Mức độ đáp ứng thông tin kinh tế-xã hội cho các đối tượng dùng tin chưa thật sự đầy đủ, kịp thời; chất lượng số liệu thống kê còn hạn chế; hoạt động phân tích, dự báo thống kê chưa đáp ứng được yêu cầu; đội ngũ công chức thống kê tuy đã được cũng cố, đào tạo, bổ sung, song so với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới vẫn còn thiếu và yếu.
Thực hiện Chiến lược phát triển ngành Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2030. Cục Thống kê tỉnh Bình Dương tập trung thực hiện tốt một số công tác trọng tâm sau:
Một là, bảo đảm tốt nhất thông tin kinh tế-xã hội định kỳ và đột xuất phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin thống kê cho các đối tượng dùng tin.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Thống kê năm 2015, củng cố và đẩy mạnh hoạt động thanh tra thống kê, bảo đảm các hoạt động Thống kê trên địa bàn Tỉnh được thực thi theo đúng pháp luật.
Ba là, thường xuyên chăm lo củng cố bộ máy tổ chức Thống kê từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố, coi trọng ổn định Thống kê xã, phường, thị trấn và các doanh nghiệp, chăm lo đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, ngoại ngữ, vi tính bằng nhiều hình thức đào tạo khác nhau để có đội ngũ công chức thống kê đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng phương pháp luận thống kê tiên tiến, công nghệ thông tin vào hoạt động thống kê.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, tham nhũng; thực hiện tốt quy chế làm việc, quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng nội bộ cơ quan đoàn kết, trong sạch, vững mạnh ổn định và phát triển. Đẩy mạnh việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; khơi dậy lòng tự hào, yêu ngành, yêu nghề của công chức, người lao động trong cơ quan Cục thống kê tỉnh Bình Dương.
CỤC THỐNG KÊ BÌNH DƯƠNG